Dược liệu quý

Đông trùng hạ thảo là một loại đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm Ophiocordyceps sinensis thuộc nhóm nấm Ascomycetes trên cơ thể ấu trùng của một vài loài bướm trong chi Thitarodes Viette. Đông trùng hạ thảo giúp tăng cường sinh lực, khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, ăn ngon ngủ khỏe

Thảo dược dưỡng sinh

Thảo dược dưỡng sinh

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VÌ SAO CAM THẢO LUÔN CÓ MẶT TRONG HẦU HẾT CÁC BÀI THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN?

Cam Thảo có tên khoa học là Clycyrrhiza uralensis Fisch.,  họ Đậu (Fabaceae). Cam có nghĩa là ngọt, thảo là cây cỏ vì vậy Cam Thảo tức là cây có vị ngọt. Còn có tên khác là Quốc Lão, Linh Thảo, Lộ Thảo, Mỹ Thảo, Mật Cam, Điềm Căn Tử, Điềm Thảo…

VÌ SAO CAM THẢO LUÔN CÓ MẶT TRONG HẦU HẾT CÁC BÀI THUỐC Y HỌC CỔ TRUYỀN

1. Đặc điểm thực vật

Cam thảo là một loại cây sống lâu năm thân có thể cao từ 30cm đến 50cm. Toàn thân cây có lông mềm, ngắn. Lá kép lông chim lẻ gồm 9 – 17 lá chét hình trứng có mép nguyên, đầu nhọn dài 2 - 5.5cm. Hoa màu tím nhạt nở vào mùa hè và đầu mùa thu (từ tháng 6 đến tháng 8), có hình cánh bướm. Quả hình lưỡi liềm dài 3 -4cm, rộng 6 - 8cm, có màu nâu đen, trên mặt quả có nhiều lông. Trong quả có 2 - 8 hạt nhỏ dẹt, màu nâu xám, hoặc xanh đen nhạt, mặt bóng.

Thành phần hóa học chính của Cam Thảo gồm các Saponin: Glycyrrhetinic acid Glycyrrhizin, Uralenic acid, Uralsaponin, Liquiritigenin, Isoliquitigrenin, Neoliquiritin, Liquiritin, Neoisoliquiritin, Glucuronic acid, Licurazid…

2. Tác dụng dược lý của Cam Thảo theo y học hiện đại

- Tác dụng giải độc: Giải được nhiều loại thuốc và độc tố như Chloralhydrat, Acetylcholin, Physostigmin, Pilocarpin, Stricnin, các loại Barbituric, Histamin, độc tố Bạch hầu, uốn ván, chất độc của lợn, cá, nọc rắn.

- Chất Glyxyridin của Cam Thảo có tác dụng bảo vệ gan chống các loại thuốc gây hại cho gan như Carbon tetra chloride… và các hóa chất gây ung thư gan.

- Tuy nhiên Cam Thảo không có tác dụng giải độc Atropin, Morphine, Stibium và có tác dụng tăng độc tính nhẹ đối với Ephedrin và Adrenalin.

- Tác dụng như loại Corticoid: Có tác dụng giữ nước và Natri, tăng thải Kali có thể gây phù, làm tăng huyết áp.

- Tác dụng chống loét đường tiêu hóa: Trên thực nghiệm cao lỏng, nước chiết Cam Thảo có tác dụng chống loét, ức chế tiết axid dịch vị do có tác dụng kháng Histamin.

- Tác dụng chống co thắt cơ trơn ống tiêu hóa.

- Tác dụng kháng khuẩn: Cồn chiết Cam Thảo và Glycuronic acid có tác dụng ức chế các loại tụ cầu vàng, trực khuẩn lao, E. Coli, Amip và Trichomonas. 

- Tác dụng kháng Histamin chống dị ứng trên chuột lang thực nghiệm.

- Cam Thảo cùng dùng với Sài Hồ có tác dụng chống thoái hóa mỡ ở gan.

- Glyxyrisin của Cam thảo có tác dụng làm giảm Lipid máu rõ rệt, nhưng không có tác dụng phòng xơ mỡ động mạch.

- Trên thực nghiệm Cam Thảo có tác dụng chống rối loạn nhịp tim.

3. Tác dụng của Cam Thảo theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Cam Thảo vừa có thể bổ vừa có thể tả, vừa chữa vào biểu vừa chữa vào lí, vừa có khả năng thăng (đi lên) vừa có khả năng giáng (đi xuống). “Hữu bổ hữu tả, năng biểu năng lí, khả thăng khả giáng”.

Cam Thảo có vị ngọt (cam), tính bình, bổ tỳ vị bất túc, tả tâm hỏa (hỏa cấp, cần phải hoãn lại, Cam Thảo có tính bình, năng hoãn).

Cam Thảo chích tính ôn: Bổ tam tiêu nguyên khí mà tán biểu hàn.

Tác dụng của Cam Thảo trong các loại thang tễ:

- Nhập hòa tễ tắc bổ ích (Hòa tễ: Phương thuốc hòa hoãn).

- Nhập hãn tễ tắc giải cơ (Hãn tễ: Phương thuốc phát hãn, giải biểu): Giải nhiệt cơ biểu.

- Nhập lương tễ tắc tả tà nhiệt (Lương tễ: Phương thuốc mát): Có trong Bạch Hổ thang, Tả Tâm thang…

+ Bạch Hổ thang: Thạch cao 40g, Chích Cam Thảo 4g, Tri Mẫu 12g, Ngạnh Mễ 20g.

+ Tả Tâm thang: Đại Hoàng 8g, Hoàng Cầm 12g, Hoàng Liên 12g.

- Nhập tuấn tễ tắc hoãn chính khí (Tuấn tễ: Phương thuốc mạnh, có tác dụng nhanh): Can Khương, Phụ Tử là những vị thuốc công lên trên (khủng kỳ tiếm thượng, tiếm thượng: vượt lên trên len lén cướp chỗ), Mang Tiêu, Đại Hoàng là những vị thuốc công xuống dưới (khủng kỳ tuấn hạ). Cam Thảo tính có tác dụng làm hoãn tính mãnh liệt này lại.

- Nhập nhuận tễ tắc dưỡng âm huyết (Nhuận tễ: Phương thuốc làm nhuận táo, dưỡng âm): Có trong phương Chính Cam Thảo thang (Chích Cam Thảo 12 g, A Giao 12g, Mạch Môn 12g, Quế Chi g, Sinh Khương g, Đại Táo 6 quả, Đảng Sâm 12g, Sinh Địa  20g, Ma Nhân 10g).

Cam Thảo có công năng hòa hiệp các vị thuốc (sứ chi bất tranh), sinh cơ chỉ thống (Thổ chủ cơ nhục, cam năng hoãn thống).

Cam Thảo thông 12 kinh, giải độc trăm thứ dược. Phàm giải độc dược, dùng nước sắc Cam thảo uống nguội, nếu uống nóng không có tác dụng. Tiểu nhi sơ sinh, chùi khử cục máu độc trong miệng (khẩu phong ác huyết), dùng miếng lụa sạch tẩm nước sắc Cam Thảo, có thể giải trừ thai độc.

Người bị chứng trướng mãn, dùng các vị thuốc tả dẫn đến chỗ mãn (đầy trướng). Theo Nội Kinh: Lấy vị cam vừa để bổ vừa để tả (vị cam nhập tỳ, kiện tỳ, tỳ kiện vận thì trướng mãn tự trừ).

Trương Trọng Cảnh trừ bĩ mãn (bĩ là chứng đầy trướng ở ngực, mãn là chứng đầy trướng ở bụng) dùng bài Cam Thảo tả tâm thang. Cam Thảo kết hợp với Phục Linh thì bất tả mãn mà phản tiết mãn.

Bổ trung tiêu dùng Cam Thảo chích, tả tâm hỏa dùng sinh Cam Thảo. Đạt kính trung (thận kính: Ống dẫn nước tiểu) dụng tiêu trị chứng lâm trọc (đái đục).

Bạch Truật, Khổ Sâm, Can Tất làm sứ. Ố Viễn Chí, phản Đại Kích, Nguyên Hoa, Cam Toại, Hải Tảo. Tuy nhiên, vẫn có bài thuốc dùng chung Cam Thảo với các vị này. Điều trị đàm tích, người ta dùng Thập Táo thang (Đại Táo 10 quả, Cam Toại, Nguyên Hoa, Đại Kích lượng bằng nhau) gia Cam Thảo. Đông Viên trị kết hạch dùng Cam Thảo kết hợp với Hải Tảo. Chu Đan Khê trị lao sái, dùng Thanh tâm Liên Tử ẩm (Hoàng Cầm, Địa Cốt Bì, Chích Cam Thảo, Phục Linh, Nhân Sâm, Mạch Đông, Xa Tiền Tử, Thạch Liên Nhục, Chích Hoàng Kỳ mỗi vị 10g) gia Nguyên Hoa. Những thầy thuốc giỏi, biết được sự vi diệu mới hiểu được cái lí này.

Lý Thời Trân viết: Cam Thảo bên ngoài vỏ đỏ, trong vàng (ngoại xích trung hoàng) tượng khôn ly. Vị hậu khí bạc tư toàn Thổ đức. Hiệp hòa các vị thuốc xứng danh Quốc Lão, trị được trăm thứ tà, quả là vương đạo!

 Bác sĩ: Nguyễn Thùy Ngân (Thọ Xuân Đường)