Quá trình hấp thu phân bổ thuốc sẽ liên quan đến hiệu quả điều trị của thuốc, nhất là chế độ ăn uống, kiêng khem, cách thức uống thuốc. Một số điều kiêng kỵ trong ăn uống khi dùng thuốc Đông y dưới đây sẽ là những gợi ý cực kỳ quan trọng đối với người sử dụng.
Đối với từng loại thuốc Đông y người bệnh cần kiêng kị những loại thực phẩm thức ăn khác nhau:
Các thuốc thanh nhiệt, giải độc: dùng điều trị các chứng dị ứng, ban chẩn thì không nên ăn các loại hải sản như cua, cá biển, sò, ngao, nhộng, lòng trắng trứng (albumin) đây là những protein lạ, là các dị nguyên làm tăng nguy cơ dị ứng. Đăc biệt, khi dùng thuốc có kinh giới thì không nên ăn thịt gà, nhất là da gà, dễ gây phong ngứa trong khi đó kinh giới là thuốc chữa dị ứng.
Thuốc thanh nhiệt, an thần: không nên dùng các chất mang tính kích thích có vị cay, nóng như: rượu, ớt, hạt tiêu, thịt chó vì nó sẽ làm cho tà nhiệt nặng thêm.
Các loại thuốc giải cảm: cần kiêng ăn các chất chua, mặn vì thuốc có tính chất phát tán, phát hãn, giải biểu mà vị chua mặn lại có tác dụng thu liễm ngược chiều tác dụng của thuốc.
Các loại thuốc ôn lý trừ hàn, thuốc tân ôn giải biểu cần mang lại sự ấm áp cho cơ thể nên tránh ăn các thức ăn tanh lạnh, như cua, ốc, thịt trâu, ba ba, rau sống, rau giền, mùng tơi, vì những thức ăn này làm cho hàn tà khó giải.
Các loại thuốc tiêu đạo để kích thích tiêu hóa, bổ dạ dày, kiện tỳ, tiêu thực đặc biệt là thuốc chữa bệnh cam trẻ em, kiêng ăn các thức có dầu mỡ khó tiêu. Những thức ăn này gây nê trệ, làm cho hấp thu của hệ tràng vị vốn đã kém lại càng khó khăn hơn.
Các loại thuốc có mật ong thì tránh ăn hành, bởi hành làm mất mùi thơm, vị ngọt của thuốc, hạn chế tác dụng nhuận bổ của mật ong chưa kể có những tương tác bất lợi. Hành giã nát trộn với mật ong chỉ được dùng ngoài trị bệnh viêm da có mủ.
Những thuốc thanh phế trừ đàm: khi dùng không nên ăn chuối tiêu vì rất dễ gây rối loạn tiêu hóa.
Các thuốc bổ dưỡng: khi uống loại thuốc đông y này không nên ăn rau quả có tính lợi tiểu như cải bẹ. Theo kinh nghiệm cổ truyền người ta kiêng ăn đậu xanh (kể cả giá đỗ) và cải bẹ, hai thứ này được coi là “giã thuốc”. Thực chất Đông y cho rằng,do tác dụng lợi niệu của nó mà sẽ làm tăng khả năng thải trừ của thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Trong thời gian uống thuốc cũng không nên uống sữa và nước chè, (trừ một số bài thuốc cổ phương dùng lục trà làm vị), bởi dịch sắc thuốc bao gồm các chất có thành phần hóa học khác nhau tùy theo thang thuốc hoặc mục đích điều trị thường gặp là các chất glycoside, alcaloide, flavonoid, taninoid, đường, tinh bột, acid hữu cơ, các chất gôm, nhựa, pectin, các tinh dầu, vithamin và một số muối vô cơ khác. Khi dùng chung với sữa hoặc nước chè dễ tạo ra các chất phức hợp với các thành phần trong thuốc gây cản trở cho việc hấp thu, ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc.
Trên đây là những điều kiêng kị mà y học cổ truyền đã đúc kết lại, người dùng cần tham khảo. Tuy nhiên, khi áp dụng cũng không nên thái quá mà phải đảm bảo được đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, góp phần nâng cao sức khỏe.
>> Xem thêm: Vỏ chanh đánh bay đau nhức xương khớp
Theo Sức khỏe và Đời sống