Xoa bóp: Bệnh nhân ngồi thả lỏng người đưa tay ra sau lưng sờ thấy chỗ hõm ở dưới xương sườn 12, nắm tay lại từ từ, lấy mu bàn tay xát nhẹ nhàng cùng bên từ chỗ hõm tới khi gặp xương mào chậu từ 30 - 50 lần. Động tác này có tác dụng ích thận, nâng cao vai trò cố tinh sáp niệu, điều hòa tiết niệu. Kế tiếp bệnh nhân nằm ngửa dùng lòng bàn tay xoa nhẹ nhàng, kết hợp lực ấn vừa phải theo chiều kim đồng hồ từ dưới rốn đến bờ trên xương mu. Động tác này có tác dụng nâng cao trương lực cơ điều hòa, điều tiết cũng như sự khí hóa của bàng quang.
Bấm huyệt: Dau đó lần lượt bấm các huyệt: thận du, khí hải, trung cực, thừa tương, khúc cốt, di niệu, dạ niệu, tam âm giao. Mỗi huyệt bấm từ 3 - 5 phút với lực bấm nhẹ nhàng thấm sâu từ nhẹ đến mạnh và ngược lại.
Để nâng cao hiệu quả, bệnh nhân nên dùng điếu ngải hơ cứu huyệt dương lăng tuyền hằng ngày (ở chỗ lõm phía trước và dưới đầu nhỏ của xương mác, nơi thân nối với đầu trên xương mác, khe giữa cơ mác bên dài và cơ duỗi chung các ngón chân). Ngoài ra, bệnh nhân có thể kết hợp điều trị bằng ẩm thực trị liệu như ăn các món canh hến lá dâu, cháo trai, sò huyết nướng, đông trùng hạ thảo...
Vị trí huyệt cần tác động:
- Thận du: Dưới gai sống thắt lưng 2 (chiếu thẳng xương sườn 12 vào), đo ngang ra 1,5 thốn.
- Khí hải: Lỗ rốn thẳng xuống 1,5 thốn.
- Trung cực: Thẳng dưới rốn 4 thốn hoặc trên bờ xương mu 1 thốn.
- Thừa tương: Ở đáy chỗ lõm, chính giữa và dưới môi dưới, trên đường bổ dọc giữa hàm dưới.
- Khúc cốt: Chỗ lõm ngay chính giữa bờ trên xương mu.
- Di niệu: Từ tam âm giao đo lên 1 thốn.
- Dạ niệu: Trên xương mu lên 2 thốn đo ngang ra mỗi bên 1 thốn.
- Tam âm giao: Ở sát bờ sau - trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 thốn.
>> Xem thêm: Cây đinh lăng - Những công dụng không phải ai cũng biết
(Tổng hợp)