Theo y học hiện đại, đậu đen có glucid 53%, protein 24%, lipid 1,7%, các vitamin A, B1, B2, PP, C; giàu acid amin: lysin, tryptophan, phenylalanin, threonin, valin, leucin, isoleusin, arginin, histidin; các nguyên tố vô cơ: Ca, P, Fe… Theo y học cổ truyền, đậu đen là một loại dược liệu có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ can thận, bổ huyết, trừ phong, thanh thấp nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, giải độc, tiêu khát.
Nguồn cung cấp dinh dưỡng và vitamin đa dạng
Thực phẩm giàu chất xơ: trong số những loại thực phẩm giàu chất xơ thì đậu đen được xem là “ứng cử viên” đầu bảng, rất có ích cho quá trình chuyển hóa glucose ở bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường, bằng chứng sau khi ăn xong không hề xuất hiện tình trạng tăng đường huyết. Chất xơ và một số chất khác có trong đậu đen ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến sau bữa ăn nên chúng rất thích hợp với người bị bệnh đái tháo đường. Do có chứa các chất xơ không hòa tan nên đậu đen có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh táo bón, rối loạn tiêu hóa.
Đau lưng là biểu hiện của bệnh gì?!
Giàu chất chống oxy hóa: đậu đen là thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa, isoflavone, anthocyanidin giống như có trong nho, quả mâm xôi, dâu tây… nhưng cao gấp 10 lần.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: người ta nhận thấy những người ăn nhiều đậu đen, rau xanh, ngũ cốc là nhóm người giảm được tới 82% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, so với nhóm người ăn ít nhóm thực phẩm nói trên, đặc biệt là thực phẩm họ đậu, lý do là đậu đen có chứa nhiều chất xơ. Lợi thế của đậu đen là cung cấp chất xơ, folate và magie giúp làm giảm hormocystein, một loại acid amino hay còn gọi là sản phẩm trung gian không có lợi cho quá trình chuyển hóa và một khi hormocystein tăng thì rủi ro mắc bệnh tim, đột quỵ là rất lớn.
Tăng cường sắt và mangan cho cơ thể: đậu đen có tác dụng rất tích cực trong việc làm tăng năng lượng và hồi phục hàm lượng sắt cho cơ thể và rất hữu ích cho nhóm người bị mất máu bởi chấn thương, hoặc cho phụ nữ giai đoạn hành kinh cũng như cho nhóm người tuổi vị thành niên đang trong giai đoạn phát triển. Mangan, có trong đậu đen được xem là yếu tố vô cùng quan trọng giúp cơ thể tạo năng lượng và chống lại quá trình oxy hóa do các gốc tự do gây nên. Một bát nhỏ đậu đen có thể cung cấp tới 38% nhu cầu mangan cho cơ thể mỗi ngày.
Nguồn protein: một bát nhỏ đậu đen cung cấp khoảng 15,2g protein (tương đương 30,5% nhu cầu protein và 74,8% nhu cầu chất xơ cho cơ thể mỗi ngày), với tổng lượng calo chỉ có 227g đặc biệt hoàn toàn không có chứa mỡ.
Nguồn cung cấp vitamin đa dạng cho cơ thể:
- Vitamin A: được dùng cho trẻ em chậm lớn, mắt bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, quáng gà, khô mắt, rối loạn nhìn màu mắt, bệnh vảy cá, bệnh trứng cá, chứng tóc khô dễ gãy, móng tay, móng chân bị biến đổi, hội chứng tiền kinh, rối loạn mãn kinh, xơ teo âm hộ, chứng mất khứu giác, viêm mũi họng mãn, điếc do nhiễm độc, ù tai, nhiễm khuẩn tiêu hóa, có lợi cho người thiếu hụt viatmin A như người vừa ốm dậy, phụ nữ cho con bú, cường giáp…
- Vitamin B1: có lợi cho người bị tê phù, viêm đau dây thần kinh, suy nhược cơ thể…
- Vitamin B2: có lợi trong rối loạn hấp thu, rối loạn thị giác, trẻ em chậm lớn, thiếu máu, viêm loét da, niêm mạc như loét lưỡi, viêm kết mạc, viêm mống mắt, viêm loét giác mạc...
- Vitamin C: phòng ngừa bệnh Scorbut. Phòng ngừa thiếu hụt vitamin C do chế độ ăn mất cân bằng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trong các bệnh nhiễm trùng, cảm cúm thời kỳ dưỡng bệnh…
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng đậu đen
Chữa đau bụng dữ dội, chưa rõ nguyên nhân: đậu đen 100g, sao cháy, sắc lấy nước đặc cho thêm rượu, uống nóng 1 lần. Cơn đau giảm nhanh, nhưng cũng cần đưa bệnh nhân đi khám ngay lập tức ở bệnh viện để có chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Chữa lưng đau ê ẩm, cứng đờ, cử động khó: đậu đen: 300g sao vàng, 300g nấu chín nhừ, 300g cho vào chõ đồ chín. Trộn đều ba loại trên cho vào 2 lít rượu chưng cách thủy 30 phút, sau đó ngâm tiếp 7 ngày, mỗi ngày uống 1 chén nhỏ vào bữa ăn (tổng lượng 100ml/ ngày). Ngoài ra có thể dùng rượu cho thêm ít gừng tươi xào nóng, xoa bóp lưng rất hiệu nghiệm.
Chữa đái rắt, đái buốt, tiểu ít: đậu đen 15g, hạt sen 15g, rau má, hạt mã đề vừa đủ, tất cả đem sắc đặc uống thay nước chè. Uống 5 - 7 ngày.
Chữa đau nhức ở các khớp xương hoặc ngộ độc rượu lâu ngày: lấy một quả dừa xiêm, vạt đầu, rồi bỏ 20g đậu đen đã rửa sạch vào quả dừa, đậy nắp dừa lại sau đó đem chưng cách thủy khoảng 3 - 4 giờ cho đậu nhừ rồi đem ra uống nước, ăn cái, mỗi tuần chỉ cần ăn 1 lần hoặc ăn 1 - 2 lần trong tháng.
Cháo thanh nhiệt giải độc dùng trong mùa nóng: đậu đen 50g, lá sen 1 lá, gạo tẻ 50g. cách chế biến: lá sen lấy loại lá bánh tẻ, loại bỏ tạp chất thái nhỏ đem sắc 15 - 20 phút, lọc lấy nước bỏ bã. gạo tẻ và đậu đen loại bỏ tạp chất, vo qua, cho vào nồi rồi cho nước sắc lá sen vào thêm nước cho đủ, đem ninh nhừ thành cháo. nêm gia vị vừa đủ bắc ra ăn nguội trong ngày. có thể ăn thường xuyên trong mùa hè. thích hợp cho tất cả mọi lứa tuổi, nhất là với người phải làm việc trong môi trường nắng nóng, người háo khát, người can thận âm hư gồm: tăng huyết áp, phụ nữ tiền mãn kinh, rôm sảy, ban ngứa, suy nhược cơ thể…
(Tổng hợp)