Dược liệu quý

Đông trùng hạ thảo là một loại đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm Ophiocordyceps sinensis thuộc nhóm nấm Ascomycetes trên cơ thể ấu trùng của một vài loài bướm trong chi Thitarodes Viette. Đông trùng hạ thảo giúp tăng cường sinh lực, khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, ăn ngon ngủ khỏe

Thảo dược dưỡng sinh

Thảo dược dưỡng sinh

Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mộc nhĩ đen - vị thuốc quen thuộc của mọi gia đình

Không chỉ là một loại thực phẩm góp phần cho các món ăn thêm ngon, mộc nhĩ cũng có tính chất dược liệu quan trọng và đã được sử dụng như một vị thuốc thảo dược trong các bài thuốc của y học cổ truyền. Có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe từ mộc nhĩ như chống oxy hóa, ngăn ngừa hiện tượng đông máu, giảm cân, “quý nhân” của làn da,…

Mộc nhĩ đen ( còn gọi là vân nhĩ, thụ kê, nhĩ tử, mộc nga, Nấm mèo, nấm tai mèo….) có tên khoa học là Auricularia auricula.Thực chất đây là một loại nấm mọc trên những cây, cành gỗ mục, có hình dạng trông giống như tai người, mặt ngoài màu nâu nhạt, có lông mịn, mặt trong nhẵn, màu nâu sẫm.

Mộc nhĩ có chứa nhiều protit, chất khoáng và vitamin. Trong 100g mộc nhĩ có chứa 10,6g protit; 0,2g lipit; 65,5g glucit; 201mg canxi; 185mg photpho; 185mg sắt; 0,03mg caroten; 0,15mg vitamin B1; 0,55mg vitamin B2; 2,7mg vitamin B3. Mộc nhĩ rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt hàm lượng sắt rất cao, vượt xa cả các loại thực phẩm vốn chứa nhiều sắt khác như rau cần, vừng, gan lợn…

Theo Y học cổ truyền, mộc nhĩ đen vị ngọt, tính bình, có công dụng lương huyết, chỉ huyết, ích khí dưỡng huyết, nhuận phế ích vị, nhuận táo lợi tràng, thường được dùng làm thức ăn và làm thuốc cho những người mắc các chứng bệnh như xuất huyết (đại tiện ra máu do trĩ, kiết lỵ, đái ra máu, xuất huyết đáy mắt, rong kinh, băng lậu, ho ra máu…), táo bón, viêm dạ dày mạn tính thể vị âm bất túc, ho do phế táo, thiếu máu…

Trong thực tế, nhiều người chỉ dùng mộc nhĩ như một thứ nguyên liệu phụ trong quá trình chế biến các món ăn, nhưng trong Y học cổ truyền, mộc nhĩ được dùng dưới nhiều dạng khác nhau như xào nấu, sấy khô, tán bột uống hoặc bôi đắp… nhằm mục đích cung cấp chất dinh dưỡng và phòng chống bệnh tật.

 

>> Mộc nhĩ - chống ung thư, ngăn ngừa loãng xương

 

Một số cách dùng cụ thể

Phòng chống các chứng xuất huyết: Mộc nhĩ 15 – 30g, ngâm nước ấm cho nở, rửa sạch, hầm nhừ, chế thêm một chút đường trắng, ăn trong ngày.

Chữa ho lâu ngày, cơ thể suy nhược, thổ huyết, kinh nguyệt không đều, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch…: Mộc nhĩ 5g, đại táo 5 quả, gạo tẻ 100g, đường phèn vừa đủ. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch; Đại táo bỏ hạt. Hai thứ đem nấu với gạo thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày.

Trị chứng đi tiểu nhiều lần:

Mộc nhĩ 30g, dạ dày lợn 1 cái. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch; dạ dày lợn làm sạch; hai thứ đem nấu chín, chế thêm gia vị, ăn trong ngày, dùng liên tục 3 – 5 ngày.

Phòng bệnh tăng huyết áp: Mộc nhĩ 5g, đậu phụ 200g, hai thứ nấu thành canh ăn thường xuyên hoặc mộc nhĩ 6g nấu với đường phèn lấy nước uống trước khi đi ngủ.

Ngoài ra, mỗi ngày ăn thường xuyên từ 10 – 20g mộc nhĩ đen có thể phòng chống hữu hiệu tình trạng táo bón. Những người bị đi lỏng mạn tính do viêm đại tràng hoặc viêm dạ dày mạn tính thì không nên dùng.

Cảnh báo: Tuy được chứng minh là loại dược liệu an toàn, hầu như không gây phản ứng phụ cho người sử dụng nhưng do có tác dụng chống khả năng sinh sản, loại nấm này được khuyến cáo không nên sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, cũng như những người có ý định sinh con.Mộc nhĩ tươi chứa chất nhạy cảm với ánh sáng – chất Porphyrin. Sau khi ăn, với sự chiếu rọi của ánh nắng mặt trời, chúng ta rất dễ bị viêm da, xuất hiện trạng thái ngứa, chứng phù thủng, đau nhức.Thậm chí có người còn bị phù nề thanh quản sẽ dễ gây nên tình trạng khó thở.Vì vậy, chỉ nên ăn mộc nhĩ khô, ngâm trong nước nấu lên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

(Tổng hợp)