Mộc nhĩ chữa đại tiện xuất huyết
Nhìn chung các loại mộc nhĩ đều có công năng làm mát máu và cầm máu, dùng rất tốt trong các trường hợp băng huyết, đại tiện xuất huyết. Mộc nhĩ mọc ở cây dâu dùng chữa băng huyết, rong kinh, hành kinh không dứt nhiều tuần bằng cách lấy mộc nhĩ dâu sao đen, tán nhỏ, uống mỗi lần 3-5 thìa. Ngày uống 3-4 lần.
Nếu đi lỵ ra máu, lấy mộc nhĩ 20g, sao tán bột uống, chia 3 lần trong ngày. Để chữa đại tiện ra máu, táo bón, dùng mỗi lần 5g mộc nhĩ bồ kết tán vụn. Nếu chưa đỡ, uống thêm 3-4 lần sẽ khỏi.
Trắc Bách Diệp ngăn chảy máu chân răng
Trắc bách diệp là một loại cây cảnh, cành non và lá của nó thường được sử dụng cầm máu tức thời rất tốt. Trắc bách diệp được thu hái quanh năm, tốt nhất vào tháng 3-5, rửa sạch, phơi trong râm hoặc sấy nhẹ cho khô để bảo đảm phẩm chất. Khi dùng, để sống hoặc sao đen. Thuốc có vị đắng chát, hơi hàn, giúp cầm máu trong những trường hợp sau:
– Ho ra máu, thổ huyết: Trắc bách diệp (sao cháy đen)+ ngải cứu 30g; can khương đã sao vàng 6g, sắc uống mỗi ngày 1 lần. – Chảy máu chân răng: Trắc bác diệp, hoàng liên, a giao mỗi vị 12g; thạch cao 20g; sinh địa, thiên môn mỗi vị 16g sắc uống sẽ khỏi. Sốt xuất huyết: Trắc bách diệp, rễ cỏ tranh, cỏ nhọ nồi mỗi vị 16 g; lá tre, hạ khô thảo mỗi vị 20g, sắc uống trong ngày.
– Trĩ ra máu: Trắc bách diệp, hoa kinh giới, hoa hòe, chỉ xác (lượng bằng nhau). Tất cả phơi khô, giã nhỏ. Ngâm nước nóng, chắt lấy nước uống trước bữa ăn 30phút.
Cỏ mực chữa chảy máu mũi
Người ta còn gọi nó là cây nhọ nồi, tính lạnh, vị ngọt chua, không độc, dân gian thường lấy lá giã nát đắp vào chỗ chảy máu ngoài da. Bên cạnh đó cỏ mực được dùng cầm máu trong các bệnh như: xuất huyết trong (chảy máu dạ dày, tiểu tiện ra máu, thổ huyết do lao, rong kinh), kiết lỵ, viêm gan mạn, chấn thương sưng tấy lở loét, mẫn ngứa (uống trong, rửa ngoài).
Để chữa chứng chảy máu mũi, lấy cỏ mực giã nát, đắp vào giữa mỏ ác và trên trán là khỏi.
Lưu ý:
Tránh dùng cỏ mực khi bị lạnh trong, tiêu chảy.
Không dùng cho phụ nữ có thai vì nó có thể gây xảy thai do chất chống đông trong cỏ mực.
Hoa hòe chống xuất huyết não
Hiện nay, hoa hòe không những được dùng trong Đông y mà còn là một nguồn dược liệu quan trọng của ngành dược hiện đại. Từ hoa này người ta đã chiết xuất được chất rutin có tác dụng làm tăng sức chịu đựng và giảm sự thẩm thấu của các mao mạch, để sản xuất nhiều vị thuốc phòng và chữa các chứng xuất huyết, tai biến mạch máu não ở người tăng huyết áp.
Nụ hoa hòe chưa nở là bộ phận quý nhất của cây vì lúc này hoa có hàm lượng rutin cao nhất. Vì vậy bao giờ người ta cũng thu hoạch hoa hòe vào lúc có nhiều nụ to, chưa nở hoa, trọng lượng và chất lượng dược liệu sẽ cao hơn. Trong nhân dân, hoa hòe được dùng chủ yếu làm thuốc cầm máu trong các bệnh ho ra máu, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu, ruột chảy máu…
Liều dùng mỗi ngày 8-16g dưới dạng thuốc sắc. Hoa hòe còn được dùng để nhuộm màu thực phẩm (tạo màu vàng), vừa đẹp vừa lành. Pha nước hoa hòe vào rượu, rượu sẽ có màu vàng cam. Ngâm gạo nếp với nước hoa hòe để nấu xôi hay cho vào bột làm bánh, các món ăn trên sẽ có màu vàng nghệ tươi nom rất hấp dẫn, lại tốt cho sức khỏe.
Hoa sò huyết chống viêm
Hoa sò huyết thuộc họ thài lài, còn gọi là lẻ bạn, được trồng làm cảnh ở nhiều nơi. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành tán bao bọc bởi hai mo úp vào nhau hình giống như con sò, hoa màu trắng vàng, được thu hái vào tháng 4-5, dùng tươi hoặc phơi khô. Ngoài ra người ta còn dùng lá, chống viêm, cầm máu, nhuận phế, giảm ho, giải độc.
Chữa ho ra máu, đi ngoài ra máu: Hoa sò huyết 30-40g, để tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống hoặc phơi khô, sắc lấy nước đặc uống một lần.
Chữa đái ra máu: Hoa sò huyết 15g, diếp cá 15g, rau má 20g, rễ cỏ tranh 10g, râu ngô 10g. Tất cả để tươi, sắc uống ngày một thang.
Ngó sen rịt máu mũi
Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, ngó sen được dùng với tên thuốc là liên ngẫu, có vị ngọt, hơi sít do chất nhựa, tính mát, lành. Dược liệu để sống thì hàn, nấu chín thì ôn, có tác dụng cầm máu là chủ yếu, bổ huyết và điều kinh.
Để chữa chảy máu cam, lấy ngó sen 30g (có thể dùng riêng hoặc phối hợp với lá hẹ, lượng bằng nhau) để tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào lỗ mũi, máu sẽ cầm ngay.
Cây tơ mành giúp lành vết thương
Đây là một loại cây tầm gửi, mọc thành bụi, có thân cành vươn dài dựa vào cây khác, màu xám phủ lông mịn. Lá mọc đối, hai mặt có lông. Khi bẻ thân và lá thấy có những sợi mảnh như tơ.
Theo kinh nghiệm dân gian, cây tơ mành có tác dụng cầm máu trong trường hợp vết thương nhỏ, chảy máu như đứt tay, xước da, lấy lá rửa sạch, giã nát, rịt ngay vào vết thương rồi buộc chặt. Có thể dùng lá tơ mành phơi khô, đốt thành than, tán bột và rắc vào vết thương. Lá tơ mành nếu phối hợp với lá cây quyển bá, giã đắp, tác dụng cầm máu sẽ nhanh hơn.
Hoặc trường hợp nặng hơn, bị gãy xương, lấy lá tơ mành và lá dâu tằm (1 kg), giã nát, xào nóng rồi đắp bó sẽ rất nhanh lành.
>> Xem thêm: Bạn có biết rau mùng tơi có thể chữa lành đau nhức xương khớp
(Tổng hợp)